Tuy không mới trong cách mạng Công nghiệp 4.0, Chuyển đổi số và kinh tế số là hai khái niệm không chỉ liên quan mật thiết với nhau mà còn là mục tiêu phát triển khách quan của các quốc gia phát triển trên thế giới
Tại Việt Nam, việc phát triển nền kinh tế số được chính phủ coi là một trong ba trụ cột phát triển nòng cốt trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
1. Khái niệm chuyển đổi số và kinh tế số
Chuyển đổi số là gì?
Chuyển đổi số (Digital transformation) là sự tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của doanh nghiệp. Các hoạt động dẫn đến những thay đổi cơ bản đối với văn hóa, cách thức hoạt động của doanh nghiệp và cách họ cung cấp giá trị cho khách hàng.
Kinh tế số là gì?
Được định nghĩa theo quyết định số 411/QĐ-TTg ký ngày 31/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nền kinh tế số (Digital economy) là “hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin – viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế”.
3 hành động chính của kinh tế số:
Phát triển kinh tế số ngành là hoạt động kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực trọng tâm, thế mạnh của các tỉnh thành.
Phát triển ngành công nghiệp ICT là công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông, làm động lực để phát triển ngành khác.
Phát triển kinh tế số nền tảng là phát triển các nền tảng số, mở rộng kết nối hệ sinh thái số doanh nghiệp, giúp tạo ra các tăng trưởng đột phá và khai phá các tiềm năng mới.
Như vậy, có thể thấy được rằng chuyển đổi số là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển một nền kinh tế số bền vững. Khi các công ty và doanh nghiệp cùng chuyển đổi số, nền kinh tế theo đó cũng sẽ được chuyển đổi, tạo ra các lợi thế cạnh tranh rõ rệt.
Khái niệm “chuyển đổi số kinh tế số” nhắc đến một nền kinh tế số đang áp dụng chuyển đổi số trong công việc và đời sống hàng ngày.
2. Vai trò chuyển đổi số trong nền kinh tế số
Việc chuyển đổi số nền kinh tế nói chung và chuyển đổi số các doanh nghiệp nói riêng là xu hướng phát triển tất yếu trên toàn cầu. Chuyển đổi số mang lại những thay đổi bước ngoặt, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ giữa các doanh nghiệp mà còn giữa các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Chính vì thế, Chuyển đổi số kinh tế số hiện tại là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong quá trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
2.1. Chuyển đổi số thúc đẩy tự động hóa quy trình làm việc, điều phối hoạt động kinh doanh theo tiêu chuẩn quốc tế
Việc tích hợp các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, robot và các giải pháp tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) giúp cho dây chuyền kinh doanh diễn ra tự động liên tục với sự giám sát tối thiểu của con người. Không chỉ có vậy, những công cụ này còn giúp người lao động giảm những tác vụ lặp lại liên tục mà không phát sinh doanh thu để tập trung vào những phần việc tạo ra nhiều giá trị hơn.
2.2. Chuyển đổi số giúp giảm chi phí hoạt động và thu thập thông tin liên tục cho các chủ thể nền kinh tế
Các tổ chức và doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí bằng cách cải thiện hiệu quả và hiệu suất trong chức năng dữ liệu. Cùng với đó, việc áp dụng dữ liệu thời gian thực cũng góp phần xác định các khoản tiết kiệm chi phí tiềm năng trong các bộ phận khác của doanh nghiệp.
Ví dụ:
Việc sử dụng trí thông minh nhân tạo giúp doanh nghiệp có thể phát hiện tỷ lệ tiêu thụ năng lượng cao hơn mức trung bình ở các địa điểm khác nhau hoặc các mô hình chi phí đi lại không hiệu quả. Sau đó, công nghệ sử dụng những thông tin chi tiết đó để đưa ra các khuyến nghị về cách đạt được hiệu quả cao hơn.
Không chỉ vậy, trong một nền kinh tế, chuyển đổi số cung cấp các nền tảng thanh toán số, và định hình lại cách các giao dịch được thực hiện theo hướng minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đặc biệt, các ứng dụng thanh toán qua điện thoại thông minh còn giúp thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ tài chính cơ bản. Từ đó giúp tỷ lệ người dân tham gia vào các chương trình xã hội như ủng hộ người nghèo, ủng hộ người dân vùng lũ, quyên góp xã hội, được tăng cao.
2.3. Chuyển đổi số mang lại những cơ hội mới, những mô hình hoạt động và kinh doanh mới
Chuyển đổi số giúp các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp mở rộng chuỗi dịch vụ và tệp khách hàng cũng như giúp cho người dân được trải nghiệm các dịch vụ mới tốt hơn. Từ đó không sự cạnh tranh phát triển trong một nền kinh tế thúc đẩy và giúp nâng mức chuẩn sống của người dân. Chuyển đổi theo hướng số hóa trong mô hình hoạt động còn giúp các tổ chức và doanh nghiệp bền bỉ hơn khi đối mặt với những rủi ro của nền kinh tế truyền thống như dịch bệnh, thiên tai thông qua các chương trình trực tuyến.
Khi đã trở thành mục tiêu của toàn cầu, nếu doanh nghiệp có cách tiếp cận Chuyển đổi số kinh tế số càng sớm thì sẽ có thêm càng nhiều cơ hội, chiến lược hoạt động và kinh doanh tiềm năng để phát triển.
3. Thực trạng nền kinh tế số Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số
Thực trạng:
Theo báo cáo “e-Conomy SEA 2021” do Google, Bain & Company và Temasek đồng phát hành, giá trị nền kinh tế Internet ở Việt Nam đạt 21 tỷ USD vào năm 2021, đứng thứ 2 Đông Nam Á, tăng 31% so với năm 2020, đóng góp 5% vào GDP toàn quốc. Báo cáo này cũng đưa ra dự báo giá trị này sẽ tăng 27% vào năm 2022, chạm mức 57 tỷ USD, và dự báo sẽ tăng đều tới năm 2025 với mức tăng 29% mỗi năm.
Theo Tổng cục Thống kê, vào năm 2021, Nền kinh tế số Việt Nam chiếm 8.2% GDP cả nước, đạt mức 163 tỷ USD. Trong đó, cấu phần kinh tế số ICT đạt 126 tỷ USD (5.5% GDP); Kinh tế số Internet/nền tảng đạt 14 tỷ USD (1% GDP); kinh tế số ngành/ lĩnh vực ước tính đạt 23 tỷ USD (1.7% GDP).
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong quý I/2022, doanh thu kinh tế số ước tính khoảng 53 tỷ USD. Theo đó, kinh tế số Internet/nền tảng có mức doanh thu 8 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 28%, trong khi phần còn lại do kinh tế số ICT và Kinh tế số ngành/lĩnh vực thu về, tăng trưởng với tốc độ trung bình 15%.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới tính đến hết tháng 02/2022 đạt 65.329 doanh nghiệp, tăng 487 doanh nghiệp so với năm 2021.
Về mục tiêu phát triển kinh tế số tại Việt Nam
Theo Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), chính phủ đặt mục tiêu kinh tế số sẽ lần lượt chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực phải đạt 10% GDP vào 2025 và sẽ nâng lên thành 20% trong 2030.
4. Cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số kinh tế số
4.1. Cơ hội
Đầu tiên, nguồn nhân lực công nghệ tiềm năng cũng là một lợi thế của Việt Nam.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm 65% dân số, với ước tính mỗi năm có thêm 500 nghìn người tham gia vào lực lượng lao động(1).
Công tác đào tạo bồi dưỡng nhân lực số trong tương lai tại Việt Nam có thể được coi là ổn định. Một mặt, nhiều trường đại học và cao đẳng, thậm chí là trung học phổ thông, có chương trình đào tạo vi tính và công nghệ thông tin (CNTT), sẵn sàng mang đến nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong hai mảng là công nghệ và khoa học máy tính và dữ liệu.
Mặt khác, học sinh phổ thông tại Việt Nam có thành tích học tập tốt. Theo xếp hạng thế giới về toán, khoa học và điểm đọc của học sinh Việt Nam ở cùng trình độ hoặc cao hơn so với các nước phát triển(2).
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng số hóa của Việt Nam đang được tập trung và phát triển mạnh mẽ.
Dịch vụ Internet tốc độ cao, smartphone và các thiết bị thông minh ở Việt Nam ngày càng phổ biến. Tính tới tháng 1 năm 2022, Số lượng người sử dụng mạng Internet đạt 72.10 triệu người, tương đương 73.2% tổng dân số(3). Báo cáo trên cũng cho biết từ năm 2021 sang 2022, Việt Nam tăng 3.4 triệu người dùng mới.
Ở lĩnh vực công nghệ, Vào đầu năm 2019, Việt Nam đã phóng thành công 2 vệ tinh “made-in-Vietnam” nhằm cung cấp Internet tới các vùng sau vùng xa cũng như giám sát biến đổi khí hậu, môi trường, thời tiết, thiên tai, nông nghiệp và phát triển đô thị.
Không chỉ có vậy, Việt Nam cũng là một trong số những quốc gia đầu tiên triển khai mạng 5G với Mobifone đã lắp đặt hạ tầng 5G tại 4 thành phố thí điểm và Viettel (hợp tác cùng Ericsson, Thụy Điển) đã thử nghiệm thành công cuộc gọi online đường truyền 5G đầu tiên trên thiết bị thu phát sóng do hãng tự sản xuất và nghiên cứu. Những điều trên là nền tảng vững chắc giúp doanh nghiệp và nhà nước triển khai các công nghệ mới nói riêng và chuyển đổi số nói chung trong tương lai gần.
Cuối cùng, kinh tế tăng trưởng ở tốc độ cao và ổn định trong những năm gần đây, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển chuyển đổi số.
Đồng thời, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang tăng nhanh trong khu vực, tạo ra nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ cho các ngành cần chuyển đổi số bao gồm chăm sóc sức khỏe, tài chính – ngân hàng và bảo hiểm.
4.2. Thách thức
Thứ nhất, công cuộc chuyển đổi số đòi hỏi một lực lượng lao động chất lượng cao và thông thạo những công nghệ mới.
Tuy nhiên, dù chất lượng lượng nhân lực vẫn đang tăng hàng năm(1). Nhìn chung đội ngũ nhân sự kỹ năng vẫn ít so với nhu cầu của nền kinh tế, trong khi lượng lao động phổ thông tay nghề thấp vẫn còn nhiều.
Điều này về lâu dài sẽ dẫn đến việc lao động truyền thống mất việc trong khi thị trường lao động vẫn sẽ khát nhân công. Ở một khía cạnh khác, việc ứng dụng và lệ thuộc nhiều vào máy móc và công nghệ sẽ tăng tính tự động hóa và giảm nhu cầu về con người, từ đó vô hình chung làm tăng nguy cơ mất việc làm.
Tuy nhiên, chuyển đổi số kinh tế số là động lực lớn để con người tự mình phát triển bản thân, góp sức mình vào sự phát triển đất nước.
Thứ hai, việc xây dựng và hoàn thiện hạ tầng số phục vụ cho nền kinh tế số đòi hỏi một thời gian dài để hoàn tất và mức ngân sách cao để đầu tư.
Với Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, việc hoàn thiện hạ tầng số có thể sẽ chậm và tốn kém. Trong khi đó, với các doanh nghiệp – các tế bào của nền kinh tế, việc bỏ ra một số vốn đầu tư thích hợp cho chuyển đổi số vẫn đang là một bài toán khó, đặt biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cùng với đó, việc thiếu mục tiêu, lợi ích kinh tế chưa thực sự rõ ràng, áp dụng công nghệ không chắc chắn bên cạnh một mức đầu tư cao khiến cho rất nhiều doanh nghiệp ngần ngại tiến hành chuyển đổi số.
Thứ ba, việc thiếu hụt các chuyên gia hàng đầu về chuyển đổi số cũng là một hạn chế lớn ngăn cản Việt Nam tới mục tiêu số hóa nền kinh tế.
Nền kinh tế số không chỉ đòi hỏi một hệ thống hạ tầng chắc chắn mà còn đòi hỏi một đội ngũ chuyên gia tư vấn, vận hành, xây dựng và bảo trì được đào tạo bài bản và giàu kinh nghiệm. Đội ngũ chuyên gia này tại Việt Nam hiện tại không nhiều và không được phân bố đều trên cả nước, đặc biệt là với các vùng nông thôn và bán nông thôn.
Nguồn: fpt
Comments